Tin tức
Cần thiết phải sửa đổi Luật Nhà ở
Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, các thành viên UBPLQH, Ủy ban các vấn đề về xã hội, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ban, ngành liên quan…
Luật hiện hành còn nhiều hạn chế
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Sau gần 8 năm (2005 – 2013) triển khai thực hiện Luật Nhà ở, bên cạnh những kết quả đạt được thì Luật hiện hành cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế như chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào, không theo quy hoạch, kế hoạch, làm mất cân đối cung - cầu về nhà ở; chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; quy định về việc huy động tài chính cho đầu tư phát triển nhà ở (gồm cả nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ…) vẫn còn sơ sài; quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở chưa chặt chẽ, chưa hợp lý và không bảo đảm các quyền lợi của các chủ sở hữu nhà ở khi thực hiện các quyền của mình đối với nhà ở; chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư; chưa điều chỉnh đầy đủ các vấn đề trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là các chung cư cao tầng, có mục đích sử dụng hỗn hợp; chưa có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về nhà ở…
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở hiện hành cũng còn nhiều tồn tại, bất cập khác như: Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, về quản lý sử dụng nhà biệt thự, về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc có quy định nhưng vẫn còn chung chung, đơn giản, chưa phù hợp với thực tế hoặc chưa thống nhất với một số Luật có liên quan…Chính vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Dự thảo Luật (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới
Dựa trên những quan điểm xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là phải thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phát triển nhà ở; phát triển nhà ở phải được thể hiện trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khắc phục tình trạng lệch pha cung-cầu; phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở…
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 178 Điều (tăng thêm 4 Chương và 25 Điều so với Luật Nhà ở hiện hành) với 10 nhóm nội dung chủ yếu được đề xuất.
Cụ thể: Bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Thống nhất xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch. Quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình quy định của pháp luật về xây dựng.
Hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả. Làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Xác định rõ các điều kiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở của các chủ đầu tư dự án.
Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở đầy đủ, tin cậy. Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài…
Ngoài các nội dung đổi mới chủ yếu nêu trên, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ để bảo đảm phù hợp với thực tế và thống nhất với các đạo luật khác có liên quan…
Góp ý tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với quan điểm xây dựng cũng như sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở hiện hành. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, nghiêm túc; hồ sơ dự án Luật thực hiện đúng văn bản quy phạm pháp luật với 10 nội dung mới được bổ sung khá toàn diện.
Bên cạnh yêu cầu Luật Nhà ở (sửa đổi) cần bảo đảm điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến nhà ở, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo với các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư…; việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở phải bảo đảm kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, đồng thời bổ sung những vấn để mới phát sinh trong thực tiễn để tạo điều kiện cho việc phát triển và quản lý nhà ở; phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và tính đặc thù của từng vùng, miền; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, tiêu cực trong việc phát triển và quản lý nhà ở…
Một số ý kiến đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ hơn một số nội dung trong dự thảo Luật (sửa đổi) như thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở; sở hữu nhà ở có thời hạn; bảo hiểm nhà ở; xem xét bổ sung thêm về phân loại nhà ở; thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; trình tự thủ tục trong giao dịch nhà ở…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm UBPLQH Phan Trung Lý đánh giá: Về cơ bản tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Nhà ở và những chính sách được thể hiện trong quan điểm xây dựng Luật.
Tuy nhiên, dự thảo Luật (sửa đổi) cần quan tâm nhiều hơn việc cụ thể hóa quy định Hiến pháp, quyền có chỗ ở của công dân; cần cân đối các loại hình nhà ở khác nhau (nên quan tâm đến những đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ…)…
Về những vấn đề liên quan đến tài chính như hình thức huy động tài chính phát triển nhà ở, vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng, quỹ phát triển nhà ở, ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát lại cụ thể để đưa vào dự thảo Luật (sửa đổi).
Đồng thời, Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, bổ sung trong dự thảo Luật (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2014.
Theo Báo Xây dựng điện tử