Tin tức
Gói 30.000 tỷ: Vẫn ‘trầy trật’ giải ngân
Theo đó, tính đến ngày 15/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, các Ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền là 536,5 tỷ đồng.
Đối với hộ gia đình cá nhân, 05 Ngân hàng đã cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng.
Cụ thể: Ngân hàng Vietinbank đã giải ngân cho 768 khách hàng với số tiền là 157,6 tỷ đồng; Ngân hàng Vietcombank đã giải ngân cho 568 khách hàng với dư nợ là 150 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV, giải ngân cho 710 khách hàng với dư nợ là 202 tỷ đồng; Ngân hàng Agribank giải ngân cho 158 khách hàng với dư nợ là 33,3 tỷ đồng; Ngân hàng MBH đã giải ngân cho 57 khách hàng với số tiền là 7,6 tỷ đồng.
Tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ có cải thiện nhưng vẫn rất chậm so với kỳ vọng |
Như vậy, tính đến nay, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 3,6%. Dù tiến độ giải ngân có cải thiện nhưng vẫn rất chậm so với kỳ vọng đặt ra trước đó, là giải ngân chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng, tài chính trong dài hạn đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá bán thấp, nhà cho thuê.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đặc biệt, đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, bên cạnh việc giảm lãi suất xuống 5%/năm từ đầu năm 2014, mới đây Vụ Tín dụng, NHNN đã đề xuất kéo dài thời hạn cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân từ 10 năm lên 15 năm. Đánh giá đây là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý, nhưng một số chuyên gia dự báo các giải pháp này cũng chưa thể giúp việc giải ngân gói tín dụng tăng đột biến.
Đánh giá về việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Thực tế đến nay gói tín dụng vẫn chưa thực sự phát huy hết được tác dụng. Định hướng về gói tín dụng trong thời gian tới Bộ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta nghe nói gói tín dụng 30.000 tỷ là để cứu thị trường bất động sản. Thực chất không phải như vậy. Điều này đã được đề xuất ngay từ khi thực hiện chiến lược về nhà ở. Nhưng nếu thực hiện tốt gói tín dụng sẽ tạo ra hiệu ứng thứ cấp tức là tạo ra sự tăng trưởng của nên kinh tế góp phần giải quyết khó khăn của các lĩnh vực sản xuất liên quan từ đó gián tiếp thúc đẩy thị trường bất động sản. Điều này tôi đã nói rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn có ý kiến coi đây là gói cứu bất động sản.
Nhìn lại những giải pháp, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản đưa ra trong năm qua, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định những chính sách đã dần phát huy tác dụng. Tình hình thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng đã có phản ứng tích cực, cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, cả nước cần khoảng gần 1 triệu căn hộ nhưng hiện tại mới đáp ứng được trên 30.000 căn hộ.
Cả nước hiện có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn, tổng mức đầu tư khoảng 20.567 tỷ đồng. Ngoài ra, có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn hộ, điều chỉnh thành 40.500 căn hộ (tăng 8.501 căn). |
Theo Hồng Khanh/ http://batdongsan.vietnamnet.vn