Tin tức
Khuyến cáo giảm lãi suất cho vay trong năm 2013
Báo cáo mới nhất của cơ quan này cho rằng trong năm 2013, chính sách tài khóa - tiền tệ cần được tiếp tục điều hành một cách "thận trọng chặt chẽ nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế nhằm tiếp tục thực hiện những mục tiêu xuyên suốt đã đề ra theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý".
Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế năm 2013 cần được điều hành theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2013 theo Ủy ban cần quan tâm đặc biệt 5 nhóm giải pháp sau.
Thứ nhất là giảm lãi suất cho vay. Hiện tại tổng cầu của nền kinh tế còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Thực tế cho thấy, trong khi cung tiền M2 tăng khá mạnh, lạm phát năm 2012 vẫn được kiểm soát khá tốt. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tổng hạn mức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán M2, như vậy việc hạ lãi suất sẽ không gây tác động mạnh đến lạm phát năm 2013.
Phân tích cụ thể về những yếu tố cơ sở để hạ lãi suất cho thấy: nếu đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 là 6% thì dư địa hạ lãi suất trong năm tới có thể được nới rộng; hơn nữa, nếu xét về tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới (tại Mỹ khoảng 0,5-0,75%/năm) thì việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ vẫn đảm bảo được chênh lệch lãi suất mà không gây ra áp lực tỷ giá trong năm 2013.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít có khả năng việc hạ lãi suất sẽ gây ra tình trạng rút tiền tại ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác, tốc độ tăng tiền gửi và do đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì vậy vẫn sẽ được đảm bảo.
Thứ hai, cần khai thác mọi nguồn vốn đầu tư để đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội đảm bảo ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đề ra. Ngoài việc bổ sung vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ cao hơn so với năm trước với định hướng tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực xây dựng - bất động sản, tạo tác động lan tỏa kích cầu để tăng trưởng kinh tế sớm hồi phục, tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2013 cần phấn đấu đạt mức tăng 12-15% trong năm 2013.
Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thiện quy chế PPP (quan hệ đối tác công tư) và đẩy nhanh tiến trình triển khai phương thức đầu tư này để thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực ngoài Nhà nước cũng là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo mức huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mục tiêu đề ra.
Thứ ba, cần tăng cường tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Khả năng cân đối ngân sách năm 2013 sẽ là rất khó khăn do thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là thu nội địa (thu thuế doanh nghiệp, các khoản thu về nhà và đất…) sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu chi ngân sách Nhà nước cho cả chi thường xuyên và chi đầu tư để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vẫn là rất lớn.
Vì vậy, năm 2013 cần tăng cường kiểm soát chi ngân sách hợp lý (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm thâm hụt và đảm bảo ngân sach dài hạn .
Thứ tư, cần khẩn trương đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian sớm nhất, nhằm khắc phục điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ổn định thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng, từ đó khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của thị trường liên ngân hàng.
Và cuối cùng, Ủy ban cho rằng cần đẩy mạnh triển khai trên thực tế tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, kết hợp cải cách hành chính nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo VnEconomy